Thứ ba, 17/09/2024 03:08

Lan tỏa tinh thần nghiên cứu, phát triển bền vững

02/09/2023
Ngày 24/8/2023, Trung tâm Quốc tế Đào tạo và Nghiên cứu Toán học UNESCO (ICRTM), Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Quỹ đổi mới sáng tạo VINIF tổ chức sự kiện “Các Bài giảng đại chúng về Phát triển bền vững” nhằm lan tỏa tinh thần nghiên cứu, phát triển bền vững của UNESCO, thúc đẩy sự giao lưu, hợp tác đến đông đảo các nhà nghiên cứu trẻ trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, văn hóa, lịch sử…

 

Ngày 24/8/2023, Trung tâm Quốc tế Đào tạo và Nghiên cứu Toán học UNESCO (ICRTM), Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Quỹ đổi mới sáng tạo VINIF tổ chức sự kiện “Các Bài giảng đại chúng về Phát triển bền vững” nhằm lan tỏa tinh thần nghiên cứu, phát triển bền vững của UNESCO, thúc đẩy sự giao lưu, hợp tác đến đông đảo các nhà nghiên cứu trẻ trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, văn hóa, lịch sử…

Toàn cảnh sự kiện. Ảnh: Nam Phương-Minh Đức

Tham dự sự kiện có TS. Nguyễn Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; TS. Nguyễn Thị Thanh Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên (Bộ Khoa học và Công nghệ), PGS.TSKH. Phan Thị Hà Dương – Trưởng Ban Tổ chức sự kiện,  PGS.TS. Đoàn Đình Phương - Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu, PGS.TS. Đoàn Trung Cường - Phó Viện trưởng Viện Toán học, Bà Nguyễn Thị Vân Nga - Giám đốc Trung tâm Thông tin - Tư liệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cùng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trẻ đến từ các Viện nghiên cứu, trường đại học. 

Bài giảng đầu tiên “Thời cơ cho vật liệu nano từ sinh học và theo dõi sức khỏe (Opportunities in Nanobiomagnetism and Healthcare Monitoring)” do GS.TS. Phan Mạnh Hưởng - Giám đốc Phòng thí nghiệm Cảm biến và Vật liệu tiên tiến, Khoa Vật lý, Đại học Nam Florida (Hoa Kỳ) trình bày và GS.TSKH. Đinh Nho Hào (Viện Toán học) chủ trì. Trong bài giảng này, GS.TS. Phan Mạnh Hưởng đã chia sẻ về những cơ hội và thách thức hiện tại trong lĩnh vực nghiên cứu liên ngành vật liệu nano, đồng thời đề xuất các chiến lược mới để vượt qua các thách thức đó. Bài giảng của ông tập trung vào những phát triển mới trên nền tảng các cảm biến từ không tiếp xúc, không xâm nhập trong việc chẩn đoán, theo dõi, điều trị COVID-19 và những bệnh đường hô hấp khác thông qua khai thác từ trường, học máy. Công nghệ này có thể ứng dụng trong các cơ sở và hệ thống chăm sóc sức khỏe tại điểm hoặc từ xa, có tiềm năng nâng cấp hệ thống chăm sóc sức khỏe tổng thể và thúc đẩy các nỗ lực đo đạc sức khỏe cộng đồng hiệu quả hơn. GS.TS. Phan Mạnh Hưởng cũng đã trình bày những nghiên cứu mới nhất về vật liệu nano từ và triển vọng ứng dụng của nó trong điều trị ung thư. 

GS.TS. Phan Mạnh Hưởng trình bày Bài giảng “Thời cơ cho vật liệu nano từ sinh học và theo dõi sức khỏe (Opportunities in Nanobiomagnetism and Healthcare Monitoring)”. Ảnh: Nam Phương - Minh Đức

GS.TS. Phan Mạnh Hưởng là chuyên gia trong phát triển các vật liệu nhiệt từ và vật liệu kháng từ cho các công nghệ cảm biến thông minh và làm lạnh nhiệt từ. GS cũng chia sẻ thêm gần đây, nhóm nghiên cứu của GS khám phá ra hiệu ứng sắt từ ở nhiệt độ phòng điều hòa ánh sáng trong các vật liệu Van der Waals lớp mỏng cấp nguyên tử, có tiềm năng thay đổi các lĩnh vực như Điện tử học spin (spintronics), Nhiệt điện tử học spin quang (Opto-spin-caloritronics), Điện tử học vùng trũng (valleytronics) và tính toán lượng tử (quantum computation).

Ông Nguyễn Cảnh Bình trình bày bài giảng “Sự hình thành, vận động và không gian phát triển của giới học thuật Việt Nam trong sự giao thoa với thế giới”. Ảnh: Nam Phương - Minh Đức

Bài giảng đại chúng tiếp theo trong sự kiện là: “Sự hình thành, vận động và không gian phát triển của giới học thuật Việt Nam trong sự giao thoa với thế giới” do PGS.TSKH. Phan Thị Hà Dương chủ trì, diễn giả là ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị, người sáng lập Công ty Cổ phần Sách Alpha (Alpha Books) và Omega Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam (VICC), người sáng lập Chương trình Đào tạo Lãnh đạo Trẻ ABG - ABG Young Leaders Program. Bài giảng của ông Nguyễn Cảnh Bình đã khái quát được tiến trình văn minh của một quốc gia, trong đó nhấn mạnh là sự ra đời của chữ viết sẽ tạo nền tảng cho các bước chuyển mình tiếp theo của nền văn minh quốc gia đó. Sự hình thành, vận động và không gian phát triển của giới học thuật Việt Nam hiện nay cần được tiếp diễn và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

  

Trao đổi, thảo luận tại sự kiện. Ảnh: Nam Phương - Minh Đức

Tại sự kiện, các diễn giả đã nhận được nhiều câu hỏi, trao đổi đến từ các đại biểu tham dự. Thảo luận sau bài giảng của GS.TS. Phan Mạnh Hưởng, PGS.TS. Đoàn Đình Phương nhận định bài giảng đại chúng của GS.TS. Phan Mạnh Hưởng đã mở thêm tri thức mới về nghiên cứu vật liệu từ, vật liệu nano y sinh. GS.TS. Đặng Diễm Hồng (Viện Công nghệ sinh học) cho rằng, hướng ứng dụng triển vọng nhất của vật liệu cảm biến từ tính là phát hiện sớm và nhanh số tế bào ung thư cho bệnh nhân có khối u nhỏ, ở những vị trí đặc biệt để bác sĩ can thiệp kịp thời. GS. TSKH. Đinh Nho Hào cũng trao đổi thêm với diễn giả của bài giảng “Thời cơ cho vật liệu nano từ sinh học và theo dõi sức khỏe” về các mô hình toán học được dùng trong hướng nghiên cứu này, có thể mở ra những ứng dụng thực tế khác khi các nhà khoa học liên ngành cùng hợp tác nghiên cứu.

Bài giảng đại chúng “Thời cơ cho vật liệu nano từ sinh học và theo dõi sức khỏe” của GS.TS. Phan Mạnh Hưởng và bài giảng đại chúng “Sự hình thành, vận động và không gian phát triển của giới học thuật Việt Nam trong sự giao thoa với thế giới” của ông Nguyễn Cảnh Bình đã lan tỏa tri thức khoa học công nghệ, cũng như văn hóa, lịch sử, giáo dục… đến với cộng đồng nhằm gắn kết mục tiêu phát triển bền vững. 

Chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Nam Phương - Minh Đức.

Nguồn tin: Kiều Anh- Trung tâm Thông tin – Tư liệu (vast.gov)

 

TIN LIÊN QUAN