Thứ ba, 15/10/2024 12:46

Sinh Hoạt Khoa Học Chuyên Đề “Dinh Dưỡng Trong Một Số Bệnh Lý Chuyển Hóa”

17/09/2023
Dinh dưỡng cho người bệnh là một biện pháp điều trị, làm tăng hiệu lực của các phương pháp điều trị khác, giảm tái phát, ngăn ngừa bệnh. Dinh dưỡng có vai trò lớn trong một số bệnh chuyển hóa: đái tháo đường, rối loạn lipid, gout,... việc tuân thủ chế độ ăn giúp người bệnh giảm thiểu những tác động của bệnh tật.

Dinh dưỡng cho người bệnh là một biện pháp điều trị, làm tăng hiệu lực của các phương pháp điều trị khác, giảm tái phát, ngăn ngừa bệnh. Dinh dưỡng có vai trò lớn trong một số bệnh chuyển hóa: đái tháo đường, rối loạn lipid, gout,... việc tuân thủ chế độ ăn giúp người bệnh giảm thiểu những tác động của bệnh tật.

Nhằm giúp các bác sĩ, nhân viên y tế hiểu biết và nâng cao kiến thức về các vấn đề dinh dưỡng trong điều trị hiện nay, Viện Y học cổ truyền Quân đội tổ chức buổi sinh hoạt khoa học chuyên đề “Chế độ dinh dưỡng phòng chống bệnh không lây nhiễm”. Tham gia giảng bài có 2 chuyên gia đầu ngành về dinh dưỡng tại Việt Nam, GS. TS. Lê Danh Tuyên - Chủ tịch Hội Tiết chế, Dinh dưỡng Việt Nam với bài giảng “Chế độ dinh dưỡng phòng chống bệnh không lây nhiễm”, PGS. TS. Bùi Thị Nhung - Viện Dinh dưỡng Quốc gia giảng bài “Chế độ dinh dưỡng trong phòng và kiểm soát biến chứng đái tháo đường”. Buổi sinh hoạt đã thu hút được sự quan tâm của các cán bộ chuyên môn tham dự và thảo luận.


Ảnh 1. Thủ trưởng Viện và đại diện các cơ quan chụp ảnh lưu niệm với
GS. TS. Lê Danh Tuyên và PGS. TS. Bùi Thị Nhung

 

PGS. TS. Phạm Xuân Phong - Giám đốc Viện chủ trì buổi sinh hoạt khoa học chuyên đề. Tham dự có các đồng chí trong Ban Giám đốc Viện, chủ nhiệm các khoa lâm sàng, chỉ huy một số cơ quan và sự tham gia của đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng trong toàn Viện.


Các bài giảng của các Thầy - Cô đã chia sẻ trong buổi sinh hoạt khoa học cho thấy dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong quá trình điều trị các bệnh lý của bệnh nhân nói chung và bệnh chuyển hóa nói riêng. Chế độ dinh dưỡng không phù hợp là yếu tố nguy cơ hàng đầu của rối loạn chuyển hóa. Các nghiên cứu khoa học và thực tiễn lâm sàng đã chỉ rõ, chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ rất quan trọng trong điều trị và phòng tránh các biến chứng của bệnh tật. Do đó, song song với điều trị bằng thuốc hoặc các phương pháp điều trị khác, cần phải có chế độ dinh dưỡng phù hợp với bệnh lý và cá thể người bệnh. Cần phải xem việc dinh dưỡng hợp lý như là thuốc và các bác sĩ, điều dưỡng cần thực hiện tư vấn dinh dưỡng ngay khi bệnh nhân đang điều trị tại viện và cả khi đã ra viện.



Ảnh 2. GS. TS. Lê Danh Tuyên giảng bài
Chế độ dinh dưỡng phòng chống bệnh không lây nhiễm

 
Trong bài giảng của GS. TS. Lê Danh Tuyên đã chỉ ra mối quan hệ mật thiết giữa chuyên ngành dinh dưỡng và y học cổ truyền, sự cân bằng trong dinh dưỡng của cơ thể cũng là nguyên lý cân bằng âm dương của y học cổ truyền và là một trong những điều kiện để con người khỏe mạnh. Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh trong tác phẩm “Nam dược thần hiệu” đã nghiên cứu 586 vị thuốc Nam, trong số này có tới 246 loại là thức ăn và 50 loại có thể dùng làm đồ uống. Trong quyển “Nữ công thắng lãm”, Hải Thượng Lãn Ông đã sưu tầm cách chế biến 28 loại mứt, 16 loại xôi, 61 loại bánh, 21 loại cơm, cháo, bún…9 món ăn chay từ đậu phụ và nhiều loại tương ngon. Thức ăn được đề cập trong tập sách này chẳng những là những loại chất bổ để bồi dưỡng và tăng thêm sức khỏe, mà còn là những vị thuốc để phòng bệnh. Hải Thượng Lãn Ông nêu cao vai trò của dinh dưỡng với người bệnh: “Có thuốc mà không có ăn thì người bệnh cũng đi đến chỗ chết”.



Ảnh 3. PGS. TS. Bùi Thị Nhung giảng bài
 Chế độ dinh dưỡng trong phòng và kiểm soát biến chứng đái tháo đường

 

Chủ đề của sinh hoạt khoa học liên quan đến dinh dưỡng lâm sàng, các bác sĩ tham dự cũng đặt ra nhiều câu hỏi chuyên sâu về dinh dưỡng trong điều trị các bệnh lý đái tháo đường, tim mạch, điều chỉnh chế độ ăn trong trường hợp bệnh lý phức tạp, chế độ nuôi dưỡng cho bệnh nhân nặng…chế độ dinh dưỡng và tuổi thọ. Các chuyên gia cũng đã giải đáp và cung cấp thêm nhiều các thông tin hữu ích về chế độ dinh dưỡng trong trị liệu, kiến thức về dinh dưỡng cho để bảo vệ sức khỏe.



Ảnh 4. PGS. TS. Phạm Xuân Phong - Giám đốc Viện kết luận buổi sinh hoạt khoa học
 

Kết luận Sinh hoạt khoa học, PGS. TS. Phạm Xuân Phong phát biểu cảm ơn GS. TS. Lê Danh Tuyên và PGS. TS. Bùi Thị Nhung đã có bài giảng rất chuyên sâu cho đội ngũ chuyên môn của Viện. Qua bài giảng, các bác sĩ, điều dưỡng thấy được vai trò của dinh dưỡng trong thực hành lâm sàng. Hiện nay, số bệnh nhân của Viện mắc các bệnh không lây nhiễm ngày càng tăng, do vậy cần phát huy vai trò của dinh dưỡng trong trị liệu, đặc biệt là y học cổ truyền. Tăng cường phối hợp “dược thiện” của y học cổ truyền và dinh dưỡng của y học hiện đại trong thực hành lâm sàng là một trong những định hướng phát triển chuyên môn của bệnh viện trong thời gian tới. Ngoài việc điều trị các bác sĩ cần phải chú trọng dinh dưỡng và vấn đề “dược thiện” cho bệnh nhân ứng dụng trong lâm sàng, tăng cường công tác tư vấn, hướng dẫn cho bệnh nhân ngay trong quá trình điều trị và sau khi xuất viện.


Ảnh 5. Thủ trưởng Viện và các chuyên gia thăm quan khoa Dinh dưỡng

Buổi sinh hoạt chuyên đề dinh dưỡng tổ chức thành công, mở ra nhiều hướng đi mới trong việc kết hợp giữa y học cổ truyền và dinh dưỡng trong điều trị, đồng thời đã góp phần giúp các cán bộ chuyên môn học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm và kiến thức về chế độ dinh dưỡng trong thực hành lâm sàng.

 

Nguồn tin: Ban Công tác xã hội

Theo: yhoccotruyenqd

TIN LIÊN QUAN