Theo y học cổ truyền: cúc tần có vị đắng, cay, thơm, tính ấm. Chủ trị cảm sốt ho, bụng trướng, nôn oẹ, tiêu độc, tiêu đờm, bí tiểu tiện, phong thấp, đau mỏi lưng...
Cây cúc tần còn gọi là cây từ bi, cây lức... có tên khoa học Pluchea indica Less thuộc họ cúc (Compositae). Ở nước ta cây mọc hoang và được trồng khắp nơi, thường trồng làm hàng rào cây xanh và lấy lá làm thuốc.
Cây nhỏ cao 2-3m, cành gầy; lá gần giống hình bầu dục, hơi nhọn đầu, gốc thuôn dài, mép lá có răng cưa, mặt dưới có lông mịn, phiến dài 4-5cm, rộng 1-2,5cm. Toàn cây (lá, cành, rễ) đều có thể dùng làm thuốc. Lá thường dùng tươi (hái lá non và lá bánh tẻ) thu hái quanh năm, cành và rễ thường dùng khô, làm thuốc.
Cây cúc tần |
Trong toàn cây chủ yếu có tinh dầu mùi thơm đặc trưng. Theo y học cổ truyền: cúc tần có vị đắng, cay, thơm, tính ấm. Chủ trị cảm sốt ho, bụng trướng, nôn oẹ, tiêu độc, tiêu đờm, bí tiểu tiện, phong thấp, đau mỏi lưng. Dùng dưới dạng thuốc sắc (ngày uống 10-20g) hay thuốc xông. Dùng ngoài không kể liều lượng.
Chữa nhức đầu cảm sốt: Lá cúc tần tươi 2 phần, lá sả một phần, lá chanh một phần (mỗi phần khoảng 8-10g) đem sắc với nước, uống khi còn nóng. Cho thêm nước vào phần bã đun sôi, dùng để xông.
Cũng có nơi nhân dân dùng lá cúc tần phối hợp với lá bàng (có tính mát) và lá hương nhu, sắc uống có công dụng chữa cảm sốt.
Chữa đau mỏi lưng: Lấy lá cúc tần và cành non đem giã nát, thêm ít rượu sao nóng lên, đắp vào nơi đau ở hai bên thận.
Chữa chấn thương, bầm giập: Lấy lá cúc tần giã nát nhuyễn đắp vào chỗ chấn thương sẽ mau lành.
Nguồn tin: Sức khỏe và đời sống
Sử lý tin: Dương Đoan