Đậu bắp còn có tên là Mướp tây, bắp chà.
Tên khoa học là Hibiscus esculentus, họ Bông.
Quả đậu bắp có hình dạng tương tự như quả mướp nên gọi là mướp tây. Hạt trắng như hạt bắp (ngô) nên gọi là bắp chà. Cây giống đậu nhưng hạt giống bắp nên gọi là đậu bắp.
100g quả đậu bắp có 660 UI vitamin A (13% nhu cầu hàng ngày), 0,2mg vitamin B1 (10%), vitamin C 21mg (35%), canxi 81mg(l0%), folacin 88mcg (44%), magiê 57mg (16%), thiamin 0,2mg (13%), ngoài ra còn có kali và mangan.
Khi đun nóng lâu, chất nhầy làm cho nước canh đặc hơn. Nếu không thích nhầy thì chỉ đun nóng trong chốc lát.
Thanh nhiệt giải khát: lao động dưới trời nắng gắt, mồ hôi ra nhiều nên khát nước và dễ bị cảm nắng. Đậu bắp thanh nhiệt và sinh tân dịch, vì vậy, dùng đậu bắp nấu vừa ăn vừa uống nước nấu đó rất thích hợp.
Táo bón: đậu bắp rất dồi dào chất xơ, cả chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan. 1/2 chén đậu bắp nấu chín có thể cung cấp khoảng 2g chất xơ, đậu bắp còn tươi nguyên cung cấp nhiều hơn, 1 chén khoảng 3,2g, và chất nhầy.
Chất nhầy rất tốt đối với việc làm mềm phân, chất xơ kích thích nhu động ruột... cho nên nhuận tràng. Do chứa hàm lượng nước cao, đậu bắp còn giúp cơ thể tránh khỏi tình trạng táo bón, đầy hơi.
Ngoài ra, đậu bắp giúp đi cầu tự nhiên, không gây đau bụng như các thuốc trị táo bón khác, vì vậy, những người thường bị táo bón, nên dùng đậu bắp nấu lấy nước uống và ăn cả quả đậu bắp luộc.
Hỗ trợ tiêu hóa: khi vào hệ tiêu hóa đậu bắp sẽ chất nhầy và chất xơ của đậu bắp trở thành môi trường tốt cho những vi khuẩn có lợi, có thể sánh với sữa chua (yaourt), giúp tổng hợp các vitamin nhóm B.
Đậu bắp có tính nhuận trường, dùng trị hội chứng kích ứng ruột, làm lành các vết loét trong đường tiêu hóa, đồng thời làm dịu những cơn đau thắt trong ruột.
Hỗ trợ giảm thân trọng: đậu bắp sinh ít nhiệt lượng - calori (khoảng 25 calo với 1/2 chén đậu bắp nấu chín), vì vậy đậu bắp là thức ăn lý tưởng cho những người đang muốn giảm cân.
Chất béo phải nhờ cholesterol nhũ hóa mới vào máu, chất nhầy của đậu bắp khóa hoạt tính của cholesterol nên chất béo không vào máu; cơ thể không được tiếp tế nên sử dụng mỡ tồn đọng và tiêu mỡ khiến cho thân trọng giảm.
Đa số người mập phì bị táo bón, vì vậy ăn đậu bắp vừa giảm cholesterol vừa chống táo bón, đúng là món ăn - vị thuốc.
Bệnh tim mạch: chất nhầy của đậu bắp ngoại hấp cholesterol của thực phẩm và của muối mật. Nó giữ cholesterol lại trong ruột, giúp cơ thể tái hấp thu nước, hấp thu những phân tử cholesterol vượt chỉ tiêu rồi bài thải theo phân ra ngoài, do đó giảm được cholesterol huyết. Những người cholesterol huyết cao, cao huyết áp, đau thắt ngực và các bệnh tim mạch khác nên ăn đậu bắp, vừa giảm cholesterol lại thông tiểu, rất thuận lợi cho bệnh cao huyết áp.
Tuy nhiên, nên lưu ý là không ăn đậu bắp cùng lúc với uống thuốc, hãy uống thuốc trước bữa ăn 1 giờ hoặc sau 2 giờ.
Hỗ trợ thai phụ: đậu bắp chứa nhiều acid folic. 1/2 chén đậu bắp nấu chín tương đương với 36,5mg acid folic. Một chén đậu bắp sống chứa đến 87,8mg acid folic. Đây là chất dinh dưỡng cần thiết cho nhiều chức năng của cơ thể, đặc biệt đối với những phụ nữ mang thai, acid folic rất quan trọng vì giúp phòng ngừa khuyết tật ống thần kinh và các dị tật bẩm sinh khác ở thai nhi.
Gần đây, những thí nghiệm tại khoa Y học cổ truyền, Đại học Y dược TP.HCM, cho thấy cao lỏng được chế từ thân và lá cây đậu bắp có tác dụng hạ đường huyết trên chuột thí nghiệm. Với liều 10g - 40g/kg thể trọng có tác dụng hạ đường huyết trên chuột thí nghiệm.
Liều có tác dụng hạ đường huyết ổn định nhất là 30g/kg thể trọng. Ở liều này, cao lỏng đậu bắp hạ đường huyết có ý nghĩa thống kê từ thời điểm 40 phút và kéo dài đến 90 phút. Sau 90 phút, đậu bắp làm hạ 47,34% nồng độ đường huyết so với nhóm đối chứng không điều trị.
Qua so sánh với insulin, tác dụng của đậu bắp không mạnh bằng insulin, không gây hạ đột ngột như insulin nhưng ổn định hơn và không có nguy cơ gây tụt huyết áp xuống dưới mức bình thường…
Một số nghiên cứu cũng cho thấy chất xơ hòa tan có tác dụng tốt trong ổn định đường huyết. Chất nhầy trong đậu bắp tiết ra thông qua những mặt cắt ngang, dọc thân trái và dễ hoà tan vào môi trường nước, kể cả nước ở nhiệt độ thường.
Qua nhiều giờ ngâm, chất nhầy hòa tan vào nước biểu thị rõ bằng độ sánh trong nước tăng lên. Lượng chất nhầy trong trái non cao hơn nhiều so với thân hay lá.
Chúng tôi cũng nhận thấy có người ăn nhiều đậu bắp hàng ngày hoặc dùng thân, lá hoặc quả đậu bắp phơi khô rồi phối hợp với một số thảo dược như mướp đắng, lá ổi, lá sakê… sắc uống để trị đái tháo đường. Có khi thấy có kết quả nhưng không biết là do đậu bắp hay là do các vị thuốc dùng chung. Khi theo dõi thấy có người có tác dụng ổn định đường huyết rất tốt, số khác lại không; có lẽ do cơ địa không thích hợp chăng?
Chưa có nghiên cứu khoa học nào kết luận hiệu quả điều trị của những trường hợp này, nhưng có điều cần lưu ý là cần theo dõi lượng đường huyết hàng ngày và cần có sự tư vấn của các thầy thuốc chuyên môn cho từng cơ địa mỗi người để có được hiệu quả thích hợp nhất.
Ngoài quả, cành non, thân, lá và rễ của đậu bắp cũng có thể dùng làm thuốc:
Giúp tiêu hóa tốt, chữa trị loét dạ dày, bảo vệ gan: dùng cành non của đậu bắp luộc ăn.
Chữa ho, viêm họng: rễ và lá thái mỏng phơi khô ngày uống 10 - 16g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc pha. Ngoài ra, còn dùng súc miệng.
Sốt cao, viêm đường tiểu, viêm họng: dùng lá, thân (hoặc thêm rễ) 40g, nấu lấy nước uống.
Để có được những lợi ích tốt từ đậu bắp, các nhà dinh dưỡng lưu ý:
Khi mua đậu bắp tươi, nên chọn quả không quá mềm, không có vết thâm bên ngoài vỏ, và không dài quá 8cm. Khi chế biến, nên nấu chín ở nhiệt độ thấp, vừa phải, không nấu, nướng đậu bắp ở nhiệt độ cao, tốt nhất là hấp chín.
Nguồn tin : Sức khỏe và đời sống
Xử lý tin : Dương Đoan